29/12/13

Bánh chưng ngày tết

Năm nay mình cũng bày đặt gói bánh chưng, hồi còn bé cứ tết đến là mẹ gói bánh tét, nên khái niệm về cách gói bánh chưng đối với mình nó mờ mịt lắm, nhưng mà mình muốn thử với loại bánh này nên mình bay lên net tìm hiểu về cách gói, sau khi xem youtube vài lần thì mình bắt đầu hình dung được cách gói bánh chưng, nhưng nhà chỉ có lá chuối nên mình lại phải tìm hiểu cách gói bánh chưng bằng lá chuối. Gói bánh chưng bằng lá chuối thì chỉ có một cách duy nhất là phải gói bằng khuôn, mà hông có khuôn thì phải làm sao, nhờ ông xã đóng dùm cái khuôn, vậy là ông xã đóng cho cái khuôn. Có khuôn trong tay vậy là mình bắt tay vào làm bánh chưng. Bánh vớt ra lúc nửa đêm, sáng hôm sau cắt ăn thử sao mà nó nhão nhẹt, thấy buồn vì thất bại. Nên định bụng là dìm hàng luôn, nhưng hai ngày hôm sau, nếp nó dẻ lại, mình ăn mà sao thấy nó ngon một cách lạ lùng vậy không biết, thôi thì lại lôi máy chụp hình ra để lăn xê em nó, nhưng mà mình cũng đã có chút kinh nghiệm trong tay về môn bánh này rồi, năm sau chắc chắn làm sẽ tốt hơn.

Bánh ướt

Sau khi làm mochi và dọn dẹp nhà cửa phụ mẹ chồng, thì hai vợ chồng mình trở về nhà cũng xế chiều, trong nhà vẫn còn dở nửa gói bột bánh cuốn Tài Ký nên menu cho chiều nay sẽ là bánh ướt, chứ không phải là bánh cuốn vì không có định ăn món bánh cuốn nên mình không có chuẩn bị nhân sẵn trước. Bột thì mình cứ cho vào chảo tráng theo công thức thôi. Sau khi làm cho mỗi người một dĩa ngon lành cành đào thì mình mang đi chụp hình, lay hoay mãi mà cũng chẳng được tấm nào vừa ý, chụp hình còn mệt hơn là làm ra được món ăn, lựa tới lựa lui thôi lấy đại một tấm ra làm nền.

Mochi ngày tết

Vào dịp lễ đón năm mới nhiều nhà Nhật họ làm bánh mochi để cúng, cũng giống người Việt vào dịp năm mới thì họ gói bánh chưng bánh tét vậy đó. Mochi là một loại bánh làm từ bột nếp như là bánh dày của người Việt, nhưng khác nhau ở chỗ là bánh dày của người Việt làm xong thì ăn liền trong ngày, còn bánh mochi thì có loại mềm ăn liền cũng có, có loại họ để cho cứng lại rồi cắt ra đem nướng ăn dần cũng có. Hôm nay nhà mình làm bánh mochi này, để mình dẫn mọi người cưỡi ngựa xem voi coi hành trình làm nên cái bánh mochi này nhé.
I.    Nguyên liệu:
1.   Gạo nếp: 1.5 kg
2.   Nước: 450 ml
I.   Cách làm:
1.   Gạo nếp vo sạch ngâm qua đêm, đem gút nước, để ráo.
   
Cho 450 ml nước lọc vào khuôn máy.
Lắp bowl và núm xoay vô máy, cho gạo nếp đã gút sạch vào.

Đậy nắp lại bật nút hấp xôi.
Khi nghe tiếng chuông, thì mở nắp, bật nút làm mochi cho máy quay.

Sau cỡ 10 phút thì xôi trở nên nhuyễn mịn.

 Lúc này cho mochi ra khay có rắc bột áo và tạo thành hình tròn.

Thành phẩm sau khi hơn 1 tiếng làm việc của mẹ chồng, còn mình chủ yếu lăng xăng chụp hình để up bài thôi hihihi.

Số lượng mochi làm đủ để đem cúng thì còn dư một ít, lấy mochi thừa đang còn nóng đem cho vô thau nước, và vặt từng miếng cho vô thau đậu nành đã rang và xay nhuyễn có cho chút đường chút muối, tạo thành bánh nếp tẩm đậu nành, dĩa này là của chồng, ăn lót dạ chuẩn bị cho hành trình vệ sinh dọn dẹp nhà cửa cuối năm.


Bánh phục linh

Cái ngày còn bé, mình rất ư là thích ăn bánh phục linh, hồi đó sao mà mình lại khoái nó một cách lạ lùng như vậy không biết nữa, công thức sẵn có lâu rồi mà hông có lá dứa nên cứ để ngâm dấm hoài, rồi bạn về VN mang qua cho mình một bó lá dứa, thế là ưu tiên làm bánh phục linh trước, cái bánh này mình làm lần đầu là được luôn, nhưng thật ra thì nó cũng không đến nỗi khó làm, chịu khó một chút là có bánh ăn ngay, chồng mình ăn cũng khen loại bánh này ngon.
I. Nguyên liệu:
1. Bột năng: 250 grs
2. Đường xay: 75 grs
3. Muối: ¼ muỗng café muối
4. Lá dứa: 50 grs
5. Vanilla 1 ống hoặc nước hoa bưởi ½ muỗng café
6. Nước cốt dừa: 150 grs
7. Màu thực phẩm: màu Wilton của Mỹ
II. Cách làm:
1. Lá dứa rửa sạch, cắt khúc 2cm, bột năng + lá dứa cho vào chảo lửa nhỏ, xào đến khi lá dứa giòn, bẻ gãy là được (lưu ý không mở lửa lớn, bột sẽ không trắng).
2. Nước cốt dừa + muối + vani + nước hoa bưởi nấu sôi với lửa nhỏ.
3. Đường xay ray lại cho mịn, bột năng rây sạch cho đường xay vào trộn đều, rưới từ từ nước cốt dừa vào, bóp bột cho tới khi bột vừa đóng bánh (nắn bột trên tay bột kết dính lại, không bở ra là được). 
4. Pha màu theo ý thích, màu pha phải là màu nước, dùng màu xịn cho nó an toàn, cho qua rây, rây bột lại cho mịn, cho vào khuôn đóng chặt, dùng dao gạt bỏ phần thừa, gõ khuôn lên giấy, cho bánh rớt ra. Muốn bánh cứng hơn đem đi phơi nắng từ 1 ~ 2 giờ hoặc cho vào lò nướng, nhiệt độ từ 80 đến 100 độ C, khoảng 5 ~ 10 phút.

23/12/13

Thịt kho nước dừa

Đêm qua nấu một nồi thịt kho nước dừa, để sáng nay bà con, họ hàng, khách khứa đến nhà đã được thưởng thức món bánh mì chấm thịt kho nước dừa. Hôm nay là tết Tây nhưng mà mình đãi toàn món Việt, mọi người thưởng thức khen ngon quá chừng. Nồi thịt này được đầu tư 50 trứng, 3 kgs thịt và 7 lon nước dừa tươi, mình không đổ thêm chút nước nào vào hết, chỉ có sử dụng thêm hành tây, vì hành đỏ đã hết sạch rồi, nước mắm, muối, tiêu, bột nêm, vì nước dừa tươi lon người ta có cho đường vào rồi nên mình không cần cho đường vào thêm nữa. Nhưng mình cắt thịt rồi đem luộc sơ để cho ra chất dơ, sau đó rửa sạch lại, với mục đích là đỡ vớt bọt mà nồi nước thịt lại trong, lúc này mới xào chung với hành tây xay nhuyễn và nước mắm, thịt săn rồi đổ nước dừa vào hầm với lửa lớn, sau khi thịt sôi thì mình vặn lửa liu riu, khi thịt mềm thì nêm gia vị cho vừa ăn. Ah còn một chi tiết cũng không kém phần quan trọng là thịt ba rọi nhưng thật ít mỡ, như vậy khi hầm thịt, mỡ sẽ không ra nhiều, còn dùng thịt mông thì miếng thịt khi ăn sẽ sơ, không ngon. Mỗi lần kho thịt kho nước dừa là mình nhớ lại nhiều năm trước khi còn nhỏ, chắc là tám hay chín tuổi gì đó, cũng vào dịp tết mẹ kêu canh nồi thịt kho nước dừa cho mẹ vì mẹ bận công chuyện, mẹ bận công chuyện thì con cũng bận mãi chơi vậy, kết cục là nồi thịt bị két, thế là mẹ phải chạy đi mua 2 trái dừa tươi về đổ vô kho lại, hihihi.

Bánh tiêu

Ngày mai sẽ gặp mọi người bà con bên chồng, nên tối nay mình tranh thủ làm bánh gì để mai mọi người ăn bánh uống trà, nghĩ đi nghĩ lại thôi thì đi trộn bột làm bánh tiêu. Môn này đối với mình cũng khá dễ, nên bắt tay vào làm ngay. Công thức bánh tiêu thì mình học được từ Bếp Rùa. Cảm ơn Khai Tâm đã chia sẻ công thức. Thành phẩm sau mấy giờ lao động là đây.


Sườn xào chua ngọt

Hôm nay là ngày nghỉ luân ca, ngủ nướng đến đã con mắt mới dậy, buổi trưa đi siêu thị thấy sườn non ngon quá nên mua về làm món sườn xào chua ngọt. Món này được chồng và mẹ chồng rất hưởng ứng vì quá ngon, mình cảm thấy rất vui vì làm món này đã đạt. Công thức gốc mình lấy từ bếp gia đình, nhưng mình có thay đổi công thức một chút cho phù hợp với khẩu vị của gia đình mình, cám ơn bếp gia đình rất nhiều vì đã đăng món ngon này.
I.Nguyên liệu:
1. Sườn: 500 grs
2. Hành khô: 2 củ
3. Tỏi: 4 tép
4. Dấm táo: 3 muỗng súp
5. Nước ép táo:  4 muỗng súp
6. Nước tương, đường, bột nêm
II. Thực hiện:
1. Sườn chặt miếng, cho vào nồi nước lạnh, pha thêm 1 muỗng cafe muối.
2. Đun lửa to, đợi nước sôi. Sau khi nước sôi khoảng 2~3 phút thì đổ sườn ra rổ rửa lại cho sạch bọt là thịt vụn.
3. Trong lúc đợi luộc sườn thì băm nhỏ hành tỏi
4. Sườn sau khi rửa sạch đem ướp với 2 muỗng súp xì dầu và ½ chỗ tỏi, hành băm nhỏ để khoảng 30 ~ 40 phút.
5. Cho sườn vào nồi hoặc chảo, đổ nước vừa ngập sườn. Đợi nước sôi thì hạ lửa vừa, đun đến khi nước cạn còn ½ chén cơm, quy trình này mất độ 20 phút. Gắp sườn ra dĩa, giữ lại nước luộc sườn.
6. Đun nóng 2 muỗng súp dầu trong 1 cái chảo sạch (tốt nhất là chảo chống dính, để rán sườn). Đợi dầu sôi thì cho ½ chỗ hành tỏi băm vào phi thơm. Khi hành tỏi thơm và chuyển sang mà nâu vàng thì chắt lấy nước dầu, bỏ hành tỏi đi để khi rán sườn hành tỏi không bị cháy đen và bám vào sườn.
7. Cho sườn vào chảo rán bằng dầu vừa phi hành tỏi. Để lửa vừa, rán sườn xém cạnh (sườn đã chín rồi nên không cần rán lâu, chỉ cần rán cho sườn săn lại, vàng và hơi xém cạnh là ok.
8. Pha nước sốt chua ngọt: Dùng chỗ nước luộc sườn còn sót lại, pha nước này vói 2 muỗng súp nước lã, 3 muỗng súp dấm, 4 muỗng súp nước ép táo, 2 muỗng súp đường, 2 muỗng súp nước tương và 4 grs bột nêm gà.
9. Xếp sườn vào chảo, đổ nước sốt chua ngọt, đun lửa vừa, thi thoảng đảo sườn cho sườn ngấm sốt. Đun đến khi nước sốt cạn hơi sền sệt, quyện dính vào sườn là đạt.

Canh Tom Yum Kum Thái

Hôm nay ngày nghỉ làm thứ 3, mình nấu nồi canh tom yum kum Thái, lá chanh thì ra vườn hái, riềng thì vẫn còn trong tủ đông, sả tươi nhà hết rồi, nên mình dùng sả khô.
I. Nguyên liệu:
1. Tôm sú: 200 grs (rửa sạch, bóc vỏ, rút chỉ lưng)
2.      Thịt gà: 200 grs (rửa sạch, cắt miếng vừa ăn)
4. Tom Yum paste: 50 grs
5. Nước dùng gà: 1000 ml
6. Ớt bột: 4 grs
7. Giềng: 60 grs (đập dập hoặc thái lát)
8. Sả: 2 củ hoặc 40 grs
9. Ớt chưng dầu (tùy khẩu vị)
10. Lá chanh: 1 nắm
11. Cà chua: 400 grs (rửa sạch, cắt miếng cau)
12. Nấm: 300 grs (ngâm bột năng 15 phút, rửa sạch, có thể dùng nấm rơm hoặc nấm đen, loại chuyên dùng để nấu Tom Yum Kong)
13.     Bô rô: 1 cây (cắt miếng vừa dùng)
14.     Hành tây: 1 củ (cắt miếng vừa dùng)
15. Nước mắm: 4 muỗng súp
16. Gia vị: hạt nêm, muối, đường

II. Cách làm
1. Đặt nồi lên bếp cho nóng, cho 20ml dầu ăn vào, dầu sôi cho ớt bột và sốt Tom Yam vào đảo đều. Cho nước dùng gà vào, đun sôi.
2. Giềng, xả, lá chanh vào túi lọc trà. Thả vào nồi nước nấu khoảng 2 ~ 3 phút. Vớt bỏ túi lọc, cho tôm và nấm vào nấu đến khi nấm chín. Sau đó cho các loại rau, cà chua, nấm, bô rô, hành tây... nấu tiếp cho sôi lại khoảng 5 phút, nêm vừa ăn. Tắt bếp vắt chanh vào nồi, chỉ vắt chanh vào nồi khi đã tắt bếp. Có thể cho thêm ớt chưng.

Pizza tôm thịt

Hôm nay được nghỉ làm, buổi sáng mình thức dậy sớm, nướng hai cái bánh pizza.
Bài này có sử dụng đến bột mì, nhớ lại hồi năm ngoái, khi vừa mới đến đất nước mặt trời mọc này, mình như đứa trẻ mới lên ba, tất cả đều lạ lẫm, lúc đó muốn làm bánh mì, mà ở VN tên bột mì là số 8 và số 11, đi siêu thị xem coi có loại bột nào có vẽ hình số 8 hay số 11 không, tuyệt nhiên không nhìn thấy, may nhờ có ông dượng bên chồng cũng biết nhiều về nấu ăn, làm bánh, mình có hỏi ông dượng về nguyên liệu, ông dượng có chỉ cho mình biết các loại bột mì, nhưng nói thật là mình lúc đó rất là lơ mơ, vẫn chưa xác định rõ ràng, vậy là mình gởi email đến bếp Rùa, nhờ được Khai Tâm hướng dẫn hình ảnh tận tình nên mình đã biết được các loại bột rõ ràng, cám ơn Khai Tâm thật nhiều nhé.
I. Nguyên liệu:
1.1 Đế bánh:
1.1.1 Bột mì số 11: 500 grs
1.1.2 Men bánh mì: 7 grs
1.1.3 Dầu olive: 70 grs 
1.1.4 Nước ấm: 250 grs
1.1.5 Đường vàng: 10 grs
1.1.6 Oregano: 1 muỗng café
1.1.7 Muối: 5 grs
1.2 Nhân:
1.2.1 Tôm sú: 500 grs (Tôm rửa sạch, rút chỉ lưng)
1.2.2 Thịt ba rọi: 500 grs (Thịt ba chỉ cắt miếng 3 x 3, cho lên chảo không dính, lửa lớn áp chảo cho vàng)
1.2.3 Hành tây: 2 củ (Hành tây cắt dọc mỏng ngâm nước đá)
1.2.4   Ớt chuông xanh, đỏ, vàng: 200 grs (Ớt chuông xắt miếng vừa dùng)
1.2.5 Tương ớt (dùng để chấm bánh khi dùng)
1.2.6 Mozarella (là loại phô mai cho pizza): 0.5 kg
1.2.7 Nước sốt cà chua
II. Cách làm:
2.1 Đế bánh:2.1.1 Cho các nguyên vật liệu sau đây trộn lần một: bột mì + men, trộn lần hai: muối, dầu olive, lá oregano, nhồi một bước, cho nước ấm có pha nước đường vào nhồi dai mịn, nghỉ đông lần một khoảng 15 phút cho dễ cán.
2.1.2 Tạo hình: chia mỗi viên bột 100 grs, 200 grs hoặc 300 grs tùy thích bánh lớn nhỏ, se tròn,dùng cây cán bột cán mỏng tạo đế bánh hình tròn,đem xâm bánh bằng vật nhọn, để bánh không bị phồng lên khi nướng, ủ ấm bánh trong lò nướng, không bật lò, bên dưới có để mâm nước sôi, sau khi ủ ấm cho vào lò nướng 200 độ C, chế độ hai lửa, nếu bánh đế mỏng thì xếp nhân lên mặt nướng cùng một lúc, khoảng 15 phút nếu là nhân chín, 20 phút nếu là nhân sống. Chế độ nhiệt độ còn tùy vào từng lò nướng. Nhà Zen Dung, ông xã không thích ăn bánh giòn nên mình chỉ nướng bánh vừa ăn, không quá giòn hay quá mềm. Nếu là đế dày nướng sơ qua hơi khô, nở thì lấy ra không để bánh vàng, trong quá trình nướng phun thêm một lần nước để bánh được mềm hơn.
2.1.3 Trải một lớp sốt cà chua trên trên mặt, xếp một ớt chuông xanh, vàng, đỏ và một lớp hành tây lên trên, sau đó xếp thịt ba rọi, xếp tôm, phủ phô mai đầy mặt bánh, rắc lá oregano lên trên, cho vào lò nướng, nướng tiếp thời gian từ 7~10 phút, sau đó đưa pizza lên ngăn trên cùng, nướng cho phô mai lốm đốm nâu khoảng 1 phút là được.

Bánh bèo chén tôm thịt

Bữa nay tôi làm món bánh bèo chén tôm thịt, món này tôi ngắm nghía ở nhà chị Liên cũng cả năm mấy nay rồi nhưng hôm nay tôi mới làm, tôi vậy đó từ khi mà tôi ngắm nghía cái gì cho tới lúc tôi làm được cũng phải lâu lắm. Phải nói là tôi rất nể phục các chị em nào mà viết công thức món ăn lại có kèm hình ảnh rõ ràng, tôi về cái khoảng chụp hình từng chi tiết là tôi chịu, vì khi làm có một mình, tay dính tùm lum cộng thêm bày tùm la, nên thời gian đâu mà chụp hình, chỉ mong làm cho xong lẹ còn lo mà dọn ăn nữa, nên thường là tôi chỉ chụp được thành phẩm mà thôi. Bữa trước nhờ nhỏ em gái mua dùm chị mấy gói bột bánh xèo, nó nghe không kỹ gởi cho chị 2 gói bột bánh bèo. Nhưng ok, bột gì thì chị nó cũng làm hết. Đọc trên hướng dẫn sử dụng tôi thấy nó ghi là 400 grs bột trộn 400 ml nước, tôi cũng thử lấy 200 grs bột tôi đem pha với 200 ml nước lạnh trước, thấy là vừa đủ cho bột nhão, vậy thì làm sao mà đổ bánh được. Nhưng mà môn này tôi đã đọc được ở nhà chị Liên rồi nên tôi mạnh dạn thêm 100 ml nước lạnh nữa và 200 ml nước sôi. Với công thức 200 grs bột bánh bèo Vĩnh Thuận cùng với 500 ml nước, cho ra thành phẩm là 12 chén bánh bèo. Còn phần tôm khô cháy thì ăn không hết còn thừa nhiều lắm, nên nếu lần sau mà tôi có làm món này nữa thì tôi chỉ làm cỡ 30 grs tôm khô thôi. Còn về tôm thịt xào nhà tôi cũng ăn không hết nên lần sau tôi cũng sẽ giảm lượng thịt xuống. Thế là chiều tôi cắt đậu hủ vô kho tiếp, vậy là sáng mai tôi có thức ăn để làm cơm hộp đi làm. Tôi làm thêm 1 chén dầu hành nữa để thêm phần hấp dẫn. Hành muốn xanh thì có hai cách, một là làm nóng dầu trên chảo rồi đổ dầu vào chén hành đã cắt sẵn, hai là chế dầu vào chén hành trước rồi cho vào lò vi sóng quay 1 phút. Làm thì lâu mà ăn có một loáng là hết sạch. Công thức tôi có chỉnh sửa một chút để phù hợp tình hình thực tế nhà mình. Xin phép chị Liên nhé. Cám ơn chị vì đã up công thức bánh ngon.
I. Nguyên liệu:
1. Bột gạo: 200 grs
2. Bột năng: 20 grs
3. Nước lạnh: 300 ml
4. Nước sôi: 200 ml
5. Tôm khô: 30 grs
6. Thịt nặc: 100 grs
7.      Tôm tươi: 100 grs
8.      Hành lá, hành củ, dầu ăn, gia vị
II. Cách làm:
1. Bột gạo là chính 200gr, bột năng 20gr, 300ml nước lạnh cho vào khuấy trước, 200ml nước sôi cho vào sau, hòa tan để bột nghỉ 20 phút hãy đổ.
2. Tôm khô ngâm nước nóng 15 phút. Rửa lại nước lạnh, lau ráo, bỏ vào máy xay cho nát bông lên. Dùng rây lỗ lớn để rây tôm cho được nhuyễn. Chảo không dính phi rất ít dầu với 2 tép tỏi (đập dập còn miếng lớn, để cháy tôm xong là bỏ). Hạ lửa thật nhỏ để tôm xay vào đảo đều tay, không nêm gì hết vì vị mằn mặn của tôm khô cũng đủ. Nghe có mùi thơm thơm là tôm đã "cháy" , xong rồi.
3. Phi dầu hành tỏi nhiều để thịt bằm và tôm xắt hột lựu vào, nêm chút đường, muối, tiêu, nêm cho vị nhẹ nhàng, không đậm để ăn với nước mắm mới ngon. Thêm chút dầu điều cho có màu hồng hồng nếu tôm tươi không đủ đỏ.
4. Phần vỏ tôm tươi luộc không bỏ muối lấy nước ngọt, lọc sạch nấu lên pha làm nước mắm. Cứ 2 nước luộc tôm, 1/2 đường, 1/4 nước mắm, nấu sôi rồi để nguội.
5. Bắt xửng lên bếp, khi nước sôi bỏ chén vô và khi chén nóng thì đổ bột vào hấp. Cho bột vào trong một cái cup lường đổ vào chén thì nó sẽ có xoáy, cứ một chén đổ 50 ml bột đã quậy đều. Hấp 7 phút là bánh chín. Sau khi hấp xong thì lấy ra chồng 2 chén lên nhau để tránh cho bột bị khô mặt.
6.      Hành lá cắt nhuyễn cho một ít dầu ăn lên trên, cho vào lò vi sóng quay 1 phút là xong.
7. Cho nhân, tôm cháy, dầu hành, mắm lên trên.


21/12/13

Bánh giò

Ngày nghỉ, mình muốn làm bánh giò, phần vì bữa trước về VN mình có đi chợ Bến Thành mua khuôn bánh giò, phần vì mẹ chồng thích ăn món bánh giò này, phần để khai khuôn luôn í mà. Công thức mình nghía bên nhà Khai Tâm. Mình thích công thức bánh này, cảm ơn Khai Tâm nhiều nhé. Thành phẩm làm xong rồi, nhưng tôi không mở ra chụp hình vì bánh không ăn liền mà đem đông đá ăn sáng dần, rất tiện.



Bánh trôi nước

Hôm nay là ngày nghỉ thứ 2, nàng nấu một nồi chè trôi nước nhân đậu xanh, đậu xanh em gái gởi từ Việt Nam sang, tranh thủ nấu không thì đậu mất ngon.
1. Nguyên liệu:
1.1. Vỏ bánh:
1.1.1. Bột nếp: 250 grs
1.1.2. Nước ấm: 210 ml
1.1.3. Màu thực phẩm theo ý thích ( màu tím khoai tím hay là màu xanh lá dứa)
1.2. Nhân bánh:
1.2.1. Đậu xanh: 300 grs ( nên chọn đậu xanh bóc vỏ)
1.2.2. Dầu ăn: 3 muỗng súp
1.2.3. Muối: ½ muỗng café muối
1.2.4. Hành tím: 2 củ hoặc 1 nhánh hành lá
1.2.5. Đường: 50 grs
1.2.6. Dừa nạo: 500 grs hoặc nước cốt dừa lon: 1 lon
1.3. Nước đường:
1.3.1. Gừng: 50 grs
1.3.2. Nước: 700 ml
1.3.3. Đường vàng: 200 grs
2. Cách làm:
2.1. Đậu xanh ngâm mềm, nấu với nước cốt nước dừa, chế nước cốt dừa với nước sao cho lắp xắp mặt đậu + hành lá cắt nhuyễn bỏ vào đậu xanh cho ngon, cho 50 grs đường và ½ muỗng cà phê muối, nấu đến khi đậu cạn nước, đánh cho đậu xanh nhuyễn, để nguội vo thành 9 phần.
2.2. Đổ nước ấm từ từ vào bột, nếu trong quá trình nhồi bột mà thấy bột khô thì cho từng chút từng chút nước ấm vào, nhồi đến khi bột thành một khối dẻo mịn, chia bột làm 9 phần.
2.3. Nấu 700 ml nước + 200 grs đường cát vàng + gừng
2.4. Sau khi chuẩn bị xong đậu và bột thì bước kế tiếp là nặn bánh, xoa một ít dầu ăn vào lòng bàn tay, đặt bột vào lòng bàn tay, để 2 ngón tay cái dưới viên chè và 8 ngón tay còn lại trên viên chè, cứ lận tròn tròn, kéo nhẹ bột xuống, bột sẽ tự động chạy xuống, bột sẽ tự động chạy xuống, tạo thành hình tròn, ta sẽ được 9 viên chè, tạo hình xong cho vô nước xôi luộc, khi mới bỏ vô nước sôi thì viên chè sẽ chìm, khi chín thì viên chè sẽ nổi, vớt viên chè cho vô nồi nước đường.
2.5. Múc nước đường + gừng + 2 viên chè lớn + vài viên chè ỉ cho ra tô, chan nước cốt dừa lên trên + mè rang lên trên.

Canh mùa đông Oden

Mùa đông Nhật Bản, người ta rất thường dùng Oden, để trên bếp dùng như kiểu dùng lẩu của người Việt Nam, chưa thật sự mùa đông mà nhà mình đã hai lần dùng món canh Oden rồi, vì ngày mai nhà có khách nên tối nay tranh thủ nấu để ngày mai khỏi bận rộn. Mình đã nấu hai lần công thức vì nhà có nhiều khách.
I. Nguyên liệu:
1. Konbu: 15 grs (là loại tảo bẹ ở biển, dùng để nấu nước dùng cho ngọt, cắt miếng cỡ 2 ngón, cho vào thau nước ấm rửa cho sạch).
2. Củ cải trắng: 700 grs (phần này tùy theo người thích ăn nhiều hay ít, gọt vỏ, cắt từng khoanh tròn, sau đó cắt làm đôi).
3. Gân bò: 200 grs (mua về cắt miếng vừa ăn, trụng nước sôi, có chút muối rồi đem rửa sạch).
4. Trứng: 10 quả (luộc chín, bóc vỏ).
5. Đậu hủ chiên: 100 grs (mua về cắt hình tam giác).
6. Konyakku: 150 grs (được làm từ khoai konyakku, thường được trồng ở trong núi, mua về cắt hình tam giác).
7. Bạch tuộc: 100 grs (tùy thích ăn nhiều hay ít)
8. Chikuwa: 4 thanh (là loại chả làm từ cá)
9. Gobouten: 4 thanh (cũng là 1 loại chả làm từ cá, sau đó đem chiên, nhưng bên trong ruột có cọng rau gobou, tương tự như ở VN, người ta làm chạo tôm, bên ngoài là tôm, bên trong có cọng mía).
10. Tsukune: là 1 loại chả chiên có thể được làm từ cá xay hoặc thịt xay).
11. Đậu hủ chiên rỗng ruột: 10 miếng (để làm túi tiền)
12. Thịt bò phi lê: 150 grs, (cắt nhỏ cỡ 1 cm)
13. Bánh nếp: 2,5 miếng (bánh nếp được bán ở siêu thị thường là hình chữ nhật, trong 1 miếng bánh nếp lớn, có khứa sẵn chia ra làm 4, dùng tay hoặc dao để chia bánh nếp ra thành 4 miếng nhỏ.
14. Nấm kim châm: 100 grs (cắt nhỏ 1 cm)
15. Hành lá: cắt nhuyễn
16. Hành lá: 10 cọng (làm dây buộc)
17. Gia vị: hondashi (là loại bột nêm được chế biến từ cá),shouju (nước tương Nhật, nước tương Nhật thì mặn hơn nước tương VN),dakonbu (là loại nước dùng được chế biến từ konbu mà ra) hoặc là (oden no moto là gia vị đã được pha chế sẵn cho món oden).
II. Cách làm:
1. Cho vào nồi đất giữ nhiệt lâu khoảng 1.5 lít nước, cho kombu và củ cải trắng, gân bò vào hầm.
2. Trong lúc hầm gân bò, củ cải thì tranh thủ làm túi tiền, đậu hủ chiên rỗng ruột, dùng kéo cắt trên đầu 1 lỗ nhỏ, sau đó cho ¼ bánh nếp, một ít nấm kim châm, thịt bò và hành lá cắt nhuyễn vào trong, dùng cọng hành lá buột lại (trần nước sôi cho dễ buột), hoặc ở Nhật có bán cọng kanpyou dùng để buột túi tiền.

3. Khi củ cải trắng gần mềm, cho gói oden no moto vào, mình mua 1 hộp oden no moto, bên trong có 4 gói nhỏ, mỗi lần nấu dùng 1 gói nhỏ, (nếu các bạn ở VN thì có thể mua các gia vị theo hướng dẫn ở trên cũng được, nêm nếm cho vừa ăn), lúc này cho trứng vào hầm tiếp, củ cải mềm gắp củ cải ra, sau khi gắp củ cải để riêng ra, cho konyakku, đậu hủ chiên, bạch tuộc, chikuwa, gobouten, tsukune, đun lửa nhỏ khoảng 10 phút, lúc này các thứ đã thấm gia vị, gắp đậu hủ chiên, bạch tuộc, chikuwa, gobouten, tsukune ra, sau cùng cho túi tiền vào nấu khoảng 5 phút, tắt bếp.
4. Cho bếp gas nhỏ trên bàn, đặt nồi oden trên bếp, vặn lửa nhỏ thưởng thức.

Bánh mì ham sốt mayonaise

Bữa giờ tôi cảm thấy buồn buồn trong bụng, nên cho dù là có làm nhiều món ngon nhưng tôi chẳng đụng vào máy chụp hình, chả thiết gì up bài viết mới, hôm nay nghỉ làm, tôi làm mấy khay bánh mì, công thức làm và cách tạo hình bánh thì tôi ngắm nghía ở nhà chị Huyền lâu lắm rồi, công thức gốc viết từ nhà Cindy, nhưng cũng cái tội lười mà tôi chưa đụng vào món này, hôm nay ngủ nướng dậy trễ, nhưng vì định bụng sẽ làm bánh mì xem công thức bánh ra sao, bánh cho ra thành phẩm ngon lắm ý. Cảm ơn chị Huyền và nàng Cindy đã chia sẻ công thức bánh ngon. Cùng một công thức bột và công thức nhân, tôi nặn thành 3 hình bánh. Bài này rảnh tôi sẽ viết thêm, giờ thì tôi bận đi trồng rau rồi. Sau khi tôi đi trồng rau thì 3 ngày sau tôi mới có thể quay lại viết tiếp, cái gì mà chậm chạp thấy ớn luôn. Vì tôi luôn dùng công thức bằng grs nên khi nào mà ai sử dụng những đơn vị đo lường khác là tôi khổ sở ghê lắm, nên khi chị Huyền đo bột bằng cup, tôi đã lúng túng vì không biết là cup 250ml hay là cup 200ml, vì Nhật sử dụng cup 200ml. Nghĩ đi nghĩ lại một hồi, tôi đã cân bột thử bằng cup 250ml, sau đó đem cân lượng bột lại để công thức lần sau đỡ mất công đo lường lại, tôi đối chiếu với một số công thức bánh mì khác thấy tỷ lệ không chênh lệch lắm nên tôi yên tâm đi nhồi bột, còn về ủ bột vì bận công chuyện nên tôi cho vào lò nướng bật chế độ ủ bột cho nhanh, phần công thức tôi đã dựa trên công thức nhà chị Huyền, tôi chỉ chỉnh sửa chút xíu cho phù hợp tình hình thực tế nhà mình. Xin phép chị Huyền nhé.
I. Nguyên liệu:
1. Vỏ bánh:
1.1 Men: 5 grs
1.2 Đường: 50 grs
1.3 Sữa ấm: 250 grs
1.4 Bột làm bánh mì: 275 grs
1.5 Bột mì mịn làm bánh ngọt (cake flour): 65 grs  
1.6 Dầu oliu hoặc bơ: 30 ml
1.7 Muối: 5 grs
2. Nhân
2.1 Ham: 200 grs 
2.2 Hành tây: ½ củ
2.3 Tiêu: một ít
2.4 Muối tiêu: một ít
2.5 Sốt mayonaise và mù tạt 
II. Cách làm
1. Cho nguyên liệu theo thứ tự vào máy KA, máy nhồi đến khi bột kéo màng mỏng, cho bột vào thau có quét một lớp mỏng dầu ăn, dùng bao bảo quản thức ăn, bao thau bột lại để bột không bị khô, cho vào lò nướng, bật chế độ lò nướng 40 độ C, đây là chế độ ủ bột, thời gian 60 phút. 
2. Trong thời gian ủ một thì xào nhân, cho hành tây vào chảo nóng xào hơi vàng, cho ham vào đảo nhanh, tắt bếp, rắc ít tiêu xay, thêm chút ít muối tiêu tùy khẩu vị. Trộn sốt mayonaise cùng chút mù tạt xanh, đánh đều, trộn vào chung với nhân.
3. Bột ủ xong, lấy 1 ngón tay cắm thẳng vào bột, khi rút tay ra bột không theo ra mà tạo thành 1 lỗ sâu là bột đã nở hết, đấm vào cục bột cho ra bớt khí. Chia bột ra làm 2 phần.
4. Một phần cán mỏng thành hình chữ nhật. Rải nhân lên, rồi cuộn tròn, vuốt kín mép bột. Cắt thành từng lát theo ý thích.
Phần còn lại chia làm bốn, vo tròn, cán mỏng, cho nhân vào giữa rồi vo tròn lại. Sau đó lấy khăn ẩm đậy kín, cho bột nghỉ khoảng 45 ~ 50 phút, bánh sẽ nở phồng gấp đôi, quét 1 lớp mỏng lòng trắng trứng đánh tan lên mặt bánh. Bật lò nóng 190 độ C trước 10 phút, cho khay bánh vào nướng khoảng 18 phút là bánh chín vàng.



Quẩy nóng

Hứng thú viết blog tự nhiên giảm đi rất nhiều vì các em nơi quê nhà không mở được trang blog này vì ở VN những trang blog này đã bị chặn, thấy buồn ghê lắm. Nhưng cũng ráng viết cho vui nhà vui cửa một chút. Ngày nghỉ luân ca nhưng từ sớm là phải đi thăm bác sĩ, về đến nhà là lao vào bếp ngay, một mẻ bột quẩy đã ủ từ đêm qua, đem ra để cho hết lạnh, trong khi để bột hết lạnh thì mình tranh thủ chuẩn bị bữa trưa cho hai vợ chồng.
I. Nguyên liệu:
1.1 Bột mì số 8: 500 grs
1.2 Baking powder: 6 grs
1.3 Men bánh mì: 5 grs
1.4 Đường: 10 grs
1.5 Muối: 5 grs
1.6 Lòng trắng trứng: 1 cái 
1.7 Sữa tươi không đường ấm: 300 ml
II. Cách làm:
2.1 Men + 50 ml sữa ấm khoảng 30 độ C +  5 grs đường: hòa tan và drap ny lông lại cho vào chỗ ấm 30 phút.
2.2 Trộn bột mì số 8 + 5 grs đường + 5 grs muối + 8 grs baking powder + 1 lòng trắng trứng + 250 ml sữa tươi ấm 30 độ C + chén nước men vào. Cho tất cả vào máy nhồi đến khi nào thấy hỗn hợp mịn là lấy ra cho vào bao nilon bọc kín lại để vào tủ lạnh qua đêm hoặc trên 8 giờ.
2.3 Lấy bột ra khỏi tủ lạnh, để bột hết lạnh khoảng 1 tiếng
2.4 Đặt chảo dầu lên bếp, dầu cần ngập quẩy, khoảng cỡ 4 cm là ổn. 
2.5 Dùng cây cán bột, cán cho mỏng khối bột. Dùng dao cắt từng miếng bột rộng khoảng 1 cm. Sau đó chắp hai sợi bột lại với nhau, hai sợi bột tự nhiên dính vào nhau.
2.8 Chảo dầu sôi, giảm nhỏ lửa, cầm miếng bột kéo cho bột giãn ra thêm chút, thả vào chảo dầu. Dùng đũa trở quẩy. Quẩy sẽ nở phồng, chiên lửa vừa, vàng hai mặt thì gắp quẩy ra đặt lên giấy thấm dầu.



Phở xào thịt bò

Chiều nay mình đi làm về sớm, mẹ chồng lại vắng nhà, mình đi chuẩn bị bữa cơm chiều, trong tủ lạnh còn nửa hộp thịt bò phi lê và hai bó cải ngọt. Vậy thì bữa tối nay của hai vợ chồng nàng sẽ là món phở xào.
I. Nguyên liệu:
1. Phở khô: 200 grs
2. Cải ngọt: 500 grs
3. Bò phi lê: 100 grs
II. Thực hiện:
1. Phở khô ngâm nước cho mềm, đem luộc, canh sao cho cọng phở vừa chín, không quá dai hoặc không quá mềm, vớt ra đem ngâm với nước lạnh, để ráo.
2. Cải ngọt rửa sạch, cắt khúc.
3. Bò phi lê mua sẵn ở siêu thị về đem cắt miếng vừa ăn, nếu không có bò phi lê sẵn thì mua bò thăn về cắt mỏng.
4. Bắc chảo lên bếp, phi thơm dầu ăn với tỏi, đổ bò vào xào sơ, sau đó cho rau vào xào, nêm muối, tiêu, bột nêm, sao cho vừa ăn, trút ra dĩa.
5. Bắc chảo lên bếp lần nữa, đổ phở vô chảo, đổ một ít nước bò vừa mới xào xong vô chảo phở, xào đến khi phở thấm nước bò, đổ dĩa hỗn hợp bò vô chảo đảo chung, tắt bếp.
Đây là thành phẩm, dĩa này là của chàng Zen.


Chè chuối

Còn sót lại 5 quả chuối sứ, hôm trước làm khoai chiên lỡ gọt dư 1 củ mà không chiên, vậy là thích hợp cho món chè chuối rồi, nồi chè nấu xong múc cho mỗi người một chén, chồng ăn mà khen ngon quá chừng, còn mình chắc cũng đã 5 năm rồi chưa ăn lại món chè chuối này, hôm nay ăn lại thấy đã thèm ghê, vị chua chua của chuối hòa quyện vị ngọt ngọt của đường và vị bùi bùi của khoai làm cho hương vị ngon hết biết.

Cơm bạch tuộc

Mấy bữa trước qua nhà nàng Cindy, tôi thấy có món cơm bạch tuột, đã có gợi ý, tôi đi siêu thị thấy có bạch tuột giảm giá, vậy là tôi mua về làm món cơm bạch tuột, vì ngày mai hổng đi làm nên tôi nấu 750 grs gạo để ăn cho cả ngày luôn, vì ngày mai suốt ngày sẽ trong bếp nhưng tránh như lần trước là cứ mãi lo làm bánh mà không nấu được cơm chiều luôn, để chồng đi làm về xào dùm cho chảo mì .
Tôi viết công thức chỉ cho 300 grs gạo thôi, hôm nay tôi đã nấu nhân 2 lần rưỡi công thức để mai rảnh vô bếp quậy phá món khác. Vì món này nấu nhưng mai mới ăn, có thời gian nên tôi đã chụp được hình minh họa.
I. Nguyên liệu:
1. Gạo trắng: 300 grs
2. Bạch tuột: 200 grs
3. Gừng: 1 củ cỡ ngón cái
4. Rượu Nhật: 45 ml
5. Nước tương Nhật: 35~45 ml, tùy khẩu vị từng nhà (nước tương Nhật thì mặn hơn nước tương VN)
6. Mirin: 15 ml
II. Cách làm:
1. Bạch tuột cắt miếng nhỏ vừa ăn, gừng cắt nhuyễn.
2. Rượu Nhật + nước tương Nhật + mirin cho chung vào một cái chén quậy đều, ta có hỗn hợp nước tương. Đổ hỗn hợp nước tương vô tô bạch tuột.
3. Đổ hỗn hợp bạch tuột vào chảo, bắt lên bếp đun với lửa vừa, khi bạch tuột sôi lên một, hai dạo là nhắc xuống, vì bạch tuột mua trong siêu thị đã được hấp chín sẵn, nếu nấu lâu bạch tuột sẽ cứng và teo nhỏ lại.
4. Nhắc chảo bạch tuột xuống, cứ để yên như vậy trong vòng 1 tiếng để bạch tuột thấm nước tương.
5. Đổ hỗn hợp bạch tuột lược qua rây, gặn lấy nước bạch tuột.
6.      Gạo vo sạch, cho vào nồi, , lấy hỗn hợp nước bạch tuột đổ vào nồi gạo, thêm nước lạnh cho đủ lượng nước cần nấu, đem nấu cơm. Sau khi cơm chín, dùng vá bới cơm đảo đều cơm, để cơm tơi ra.
7.     Đem bạch tuột trộn đều với cơm là đã hoàn thành xong món cơm bạch tuột Nhật Bản nổi tiếng.

Sương sáo sữa tươi

Thời tiết chuẩn bị vào hè nên nóng nực, qua nhà chị Sophia thấy ly sương sáo ngon quá, mình đã có gợi ý nên mình cũng nấu sương sáo ăn, trời nóng nên giải nhiệt thấy đã ghê, chế thêm sữa tươi vào nữa, thế là có thêm món giải nhiệt mùa hè.


Cà tím Ngư Hương

Qua nhà chị Sophia chơi, thấy món cà tím Ngư Hương ngon quá, theo chân chị Sophia tôi qua bếp nhà Naninonu, rồi tìm đến bếp  nhà Chjecook đi hơi xa nên mỏi chân thiệt rồi hihihi. Thấy công thức ngon rồi để đó, đợi cà đơm bông kết trái lớn rồi hái vô làm, nên bữa nay có mấy trái cà tím mẹ chồng hái vô, tôi làm liền để ngày mai có cái để dỡ cơm hộp. Cám ơn mọi người đã post công thức món ngon. Học theo chị Sophia cho cà, bột nêm, bột năng vô bọc ni lông xốc đều cho lẹ. Đi siêu thị thấy có ớt sừng, nhưng mà người ta bán một hộp 10 trái, mà sử dụng có 2 trái hà, phần còn lại không biết làm gì nên nghĩ đi nghĩ lại mình sẽ thay thế ớt chuông cho tiện. Làm món này mình ăn cảm thấy ngon miệng lắm. Cà tím thì chồng mình không thích lắm, nhưng mẹ chồng và mình thì rất thích cà tím.
I. Nguyên liệu:
1. Cà tím dài: 2 quả
2. Thịt nạc vai: 100g
3. Nấm hương: 4 cánh
4. Mộc nhĩ: 2 cánh
5. Tỏi: 3 nhánh
6. Ớt chuông: 1 quả 
7. Bột năng
8. Hành lá, tía tô
9. Ngũ vị hương, dầu mè, dầu hào, hạt nêm, bột ngọt, nước tương, muối, tiêu.
II. Thực hiện:
1. Cà tím cắt miếng nhỏ, dài.
2. Ngâm vào nước muối loãng cho trắng, vớt ra cho ráo nước, sau đó cho cà tím, hạt nêm và chút bột năng vô bao ni lông, xốc đều rồi chiên vàng.
3. Phi thơm tỏi băm, cho thịt nạc vai cắt nhỏ vào xào săn rồi cho nấm hương, mộc nhĩ, ớt chuông băm nhỏ vào xào cùng. Cho nước và nêm gia vị gồm nước tương, bột ngọt, hạt nêm, muối, đường, ngũ vị hương, dầu hào vào thịt đun sôi, tiếp tục cho cà tím vào om đến khi sánh lại.
4. Cho tiêu, hành lá và rau tía tô thái nhỏ và vài giọt dầu mè lên trên, đảo đều, nhắc xuống.

Còn đây là cà tím trong vườn, mẹ chồng trồng một hàng luôn, kiểu này thì mùa hè này tha hồ mà các món với cà tím.


Còn đây là cây gia vị tía tô, làm cho món cà tím Ngư Hương thêm hấp dẫn. 



19/12/13

Bánh canh gà

Muốn ăn bánh canh bữa giờ lâu lắm rồi, hẹn lần mãi nên hôm nay mới ráng quăng cục lười ra để làm, tôi làm cọng bánh canh cũng rất nhiều lần rồi, trước giờ tôi cứ làm theo công thức bên nhà chị Liên, tôi ăn thấy ngon lắm, tôi cứ làm y như chị Liên hướng dẫn nhưng khâu cuối cùng thì tôi cho vô khuôn rồi ấn xuống nồi nước đang sôi, nhưng mà cứ làm rồi ăn vội nên tôi không có chụp hình lưu lại. Bữa nay tôi thử làm theo công thức bánh canh "Trảng Bàng" của nhà nàng Cindy, cho bột vào máy nhồi rồi cho vào khuôn ấn xuống nồi nước sôi, tôi thấy ăn cũng ok lắm, vì không có bột gạo Vĩnh Thuận, tôi chơi luôn bột gạo của Nhật, nhưng mà tôi cũng cảm thấy hài lòng, chỉ có vụ là hôm nay cọng bánh canh hơi bị ngắn lý do là tôi đã chia hai cục bột ra rồi, vì khuôn thì chỉ chứa đủ 1/2 lượng bột mà thôi, 1/2 lượng bột tôi cho vào khuôn, 1/2 lượng bột còn lại tôi để hơi xa nồi nước sôi nên ấn hết một lượt rồi mới ấn tiếp 1/2 lượng bột còn lại vô nồi. Nên khi ấn bột thì nên chuẩn bị sẵn sàng bột bên nồi nước, khi ấn bột lần 1 gần hết thì cho tiếp lượng bột còn lại vô khuôn ấn tiếp thì cọng bánh canh sẽ dài, trông bắt mắt hơn, nhưng ok, lần sau sẽ làm tốt hơn . Cám ơn chị Liên và nàng Cindy đã post công thức ngon, xin phép hai người cho nhà em được lưu công thức ở đây để tiện sử dụng. Hôm nay tôi nấu nước dùng gà cho nồi bánh canh nhà mình, tô này là của mẹ chồng nên tôi làm ít bánh canh.

I. Nguyên liệu:
1. Công thức 1: bánh canh không dai
1.1 Bột gạo: 125 grs
1.2 Bột năng 125 grs
1.3 Dầu ăn: 2 muỗng súp
1.4 Muối: ½  muỗng cà phê
1.5 Nước: 400ml
2. Công thức 2: bánh canh dai
2.1 Bột gạo: 100 grs
2.2 Bột năng: 150 grs
2.3 Dầu ăn: 2 muỗng súp
2.4 Muối: ½  muỗng cà phê
2.5 Nước: 400ml
3.     Công thức 3: bánh canh "Trảng Bàng"
3.1 Bột gạo lọc của Vĩnh Thuận: 200 grs
3.2 Bột năng: 50 grs
3.3 Bột bắp: 50 grs,nếu không có bột bắp thì thay bằng bột năng. (hoặc là có thể gia giảm lượng 3 loại bột sao cho độ dai giòn phù hợp với gia đình mình).
3.4 Muối: ½ muỗng cà phê
3.5 Dầu ăn: 2 muỗng súp
3.6 Nước sôi sùng sục: 300 ml
II. Cách làm:
1. Cho cả 3 loại bột vào máy KA & muối dùng chân dẹt trộn đều.
2.      Sau đó cho 300 ml nước đang sôi sùng sục chế vào + 2 muỗng canh dầu ăn,cho máy trộn thiệt đều rùi mang ra cho vô khuôn ép, ép vào nồi nước cũng đang sôi bồng, thấy cọng bánh nổi lên là bánh đã chín .
3. Vớt ra cho vô thau nước lạnh,sau đó cho ra rổ cho ráo nước rùi cho tí dầu ăn vào sốc đều là ok.


Cơm thập cẩm

Món cơm này được cô chồng dạy cho, tôi nấu ăn có hai quyền trợ giúp là quyền trợ giúp của người thân và bạn bè, nên tôi được học khá nhiều món mà trước đến giờ tôi không biết. Món này không phải là món có nguồn gốc từ Nhật mà là món cơm có nguồn gốc từ Tây, vì gạo được xào với bơ, và viên gia vị comsomme cũng có nguồn gốc từ Tây, tôi nấu những món cơm như vầy là rất khỏe vì không cần nấu thức ăn món mặn, chỉ cần nấu canh là xong bữa cơm, một mũi tên rớt hai con nhạn mà. Đêm qua tôi cũng nấu 750 grs gạo để ăn cả ngày, còn công thức thì tôi chỉ viết cho 450 grs gạo thôi, đêm qua lười quá nên không cắt cà rốt bỏ vô, nếu có cà rốt thì màu sắc nồi cơm càng thêm đẹp. Mẹ chồng và chồng tôi cũng rất thích khi tôi nấu món cơm này, lúc nào cũng khen ngon.
I. Nguyên liệu:
1. Gạo trắng: 450 grs
2. Tôm: 200 grs
3. Hành tây: 1 củ nhỏ
4. Cà rốt: ½ củ nhỏ
5. Comsomme: 3 viên
6. Bơ: 1 muỗng súp
7. Muối tiêu: một ít
II. Cách làm:
1. Gạo vo sạch, để ráo nước, bắc chảo lên bếp, cho bơ vô chảo, bơ nóng, đổ gạo vô xào đến khi gạo săn lại.
2. Đổ gạo từ chảo ra nồi cơm điện, đổ vừa lượng nước nấu cơm như bình thường, cho vào nồi cứ 150 grs gạo là 1 viên comsomme.

3. Tôm bóc vỏ, cắt miếng vừa ăn, hành tây cắt hạt lựu, cà rốt cắt nhỏ.
4. Trong khi vừa cắm cơm thì cho bơ vào chảo nóng, cho tôm (có thể thay thế gà, thịt heo), hành tây, cà rốt vào xào sơ, nêm muối tiêu sao cho có vị lạt.
5. Trút chảo hỗn hợp tôm vừa xào vô nồi cơm, đợi cơm chín là ok.



6.      Đảo cơm đều là dùng thôi.

18/12/13

Cơm chiên Indoneshia

Bữa nay gió đổi chiều, ăn hoài món Nhật cũng chán, nên mình đi chiên cơm theo kiểu Indoneshia, ăn cũng ngon lắm, từ ngày có con dâu người khác quốc tịch, mẹ chồng thỉnh thoảng lại "bị ăn" món nước ngoài hihihi, món cơm này cũng được mẹ chồng và chồng hưởng ứng dữ lắm, bên dưới là công thức cho hai phần ăn, nhưng mình đã chiên cho 4 phần mà 3 người làm sạch trơn luôn. Trên dĩa cơm có bỏ thêm khoai tây chiên nữa, chồng vừa cười vừa nói rằng, người Indoneshia dùng tay để bốc ăn vì vậy nên mới có chuyện là bỏ khoai tây lên để xúc ăn, vụ này mình hổng có rành nên chỉ cười thôi.
I. Nguyên liệu:
1. Đậu hủ chiên: ½ miếng
2. Tôm bóc vỏ: 80 grs
3. Hành tây: ¼ củ
4. Ớt chuông xanh: ½ trái
5. Ớt chuông đỏ: ½ trái
6. Cơm: 300 grs
7. Trứng: 2 cái
8. Toubanjyan: 1 muỗng café
9. Nước mắm: 15 ml
10. Dầu hào: 15 ml
11. Khoai tây chiên: tùy thích
12. Gia vị: dầu ăn, muối, đường
II. Cách làm:
1. Đậu hủ chiên cắt dọc, sau đó cắt dày cỡ 5 mm, tôm bóc vỏ, rút chỉ lưng, hành tây, ớt chuông cắt miếng cỡ 1 cm.
2. Hòa nước mắm và dầu hào vào một cái chén để riêng.
3. Cho 2 muỗng súp dầu ăn vô chảo nóng, cho hành tây vào xào thơm. Theo thứ tự cho tôm, ớt chuông, đậu hủ chiên, thêm toubanjyan vào xào chung. Khi mùi thơm của toubanjyan tỏa ra thì cho nửa lượng hỗn hợp nước mắm vô đảo nhanh tay, cho cơm vào trộn cho đều, phần hỗn hợp nước mắm còn lại quậy đều chế đều lên chảo cơm, cho ra dĩa.
4. Trứng quậy đều cho một nhúm muối, hai nhúm đường quậy đều (chỗ này có thể theo khẩu vị từng nhà, cho chút muối tiêu vô thay thế cũng ok). Cho 1 muỗng café dầu vô chảo nóng, chiên trứng.
5. Đặt trứng vừa chiên xong lên trên dĩa cơm, rải khoai tây chiên bên cạnh trứng là xong.
Dĩa cơm này là của chồng


Còn đây là chai tương sốt chua cay toubanjyan